KỸ THUẬT CANH TÁC XOÀI

I. GIỚI THIỆU

Hiện nay, trên thế giới có trên 60 nước trồng xoài (nhiệt đới và á nhiệt đới).

Châu Á chiếm 2/3 diện tích xoài trên thế giới, trong đó Ấn Độ chiếm gần 70% sản lượng xoài thế giới với 9,3 triệu tấn, các nước khác như Thái Lan, Pakistan, Philippin và miền Nam Trung Quốc cũng sản xuất nhiều xoài cung cấp cho thế giới.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích trồng xoài năm 2013 là 41.800 ha và sản lượng đạt 417.268 tấn, trong đó xoài Cát Chu chiếm 59,1%, Cát Hòa Lộc 23,2% và xoài khác 17,7%. Dự kiến diện tích trồng xoài đạt khoảng 46.000 ha đến năm 2020.

Hiện tại, Đồng Tháp và Tiền Giang là hai tỉnh sản xuất xoài đứng nhất, nhì ở ĐBSCL, là nơi có quy hoạch vùng chuyên canh cho hai loại xoài Cát Chu và Cát Hòa Lộc. Hai giống xoài này có lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh cao về giá cả và chất lượng so với các giống xoài khác.

Hiện nay, xoài chủ yếu được tiêu thụ tươi, một ít được đóng hộp, làm nước trái cây, mứt kẹo, kem, sấy khô.

II. NGUỒN GỐC, GIỐNG TRỒNG

              Xoài có nguồn gốc từ khu vực Ấn Độ đến Miến Điện. Có 2 nhóm xoài chính là:

              – Nhóm xoài có hột đơn phôi (chủ yếu ở Ấn Độ), trái chỉ có 01 phôi hữu tính.

              – Nhóm xoài có hột đa phôi (chủ yếu ở Đông Nam Á), trái có từ 2-12 phôi vô tính, thường cho 2-5 cây con, trong đó có thể có 1 phôi hữu tính.

              Theo kết quả điều tra năm 1999 (ĐHCT), ở ĐBSCL có 43 giống xoài, trong đó các giống địa phương được trồng phổ biến là Cát Hòa Lộc, xoài Thơm, Cát Chu, Châu Hạng Võ, xoài Bưởi (xoài Ghép), Thanh ca, Tứ Quý. Ngoài ra, còn có một số giống xoài Thái nhập nội như Keow Savoey, Falan, Rad, Lin Ngo Hou, Klangwan, Pim Sane Mun,  Nam Dok Mai. Hiện nay, các giống xoài Xoài Úc, Đài Loan, xoài Keo (Campuchia) cũng được trồng rải rác ở một số nơi. Một số đặc điểm nổi trội của một số giống xoài như sau:

              – Tỷ lệ ăn được trên 80%: Battambang, Cát Hòa Lộc, Mộng Dừa

              – Độ brix trên 20%: Hồng Võ, Ngự, Cát Hòa Lộc

              – Dễ ra hoa đậu trái: Thanh Ca, Battambang, Cát Chu, Bưởi

              – Thích nghi được trên đất phèn, mặn (0,3-0,6%): Bưởi, Châu Hạng Võ (Châu Nghệ).

              – Tỷ lệ hột nhỏ dưới 7% khối lượng trái: Cát Đen, Đốc Binh Kiều.

              Đây là các nguồn gen tốt cần được sưu tập để bảo tồn. Kết quả điều tra năm 1999 cũng đã đánh giá được 4 giống xoài có triển vọng phát triển ở vùng ĐBSCL là xoài Cát Hòa Lộc, xoài Cát Chu,  xoài Thơm, xoài Thanh Ca, xoài Châu Hạng Võ.

III. CHUẨN BỊ ĐẤT TRỒNG

1. Đất trồng

– Nếu trồng liếp đơn: Liếp rộng 4 – 5 m.

– Nếu trồng liếp đôi: Liếp rộng 8 – 10 m, có thể kết hợp trồng xen các loại cây khác.

– Chuẩn bị mô trồng rộng 0,6 – 0,8 m, cao 0,3 – 0,6 m. Đất mô được trộn với phân chuồng, tro trấu.

– Bón lót khoảng 200-300 g phân 16-16-8 cho mỗi gốc trước khi đặt cây.

2. Khoảng cách cây

Tùy theo liếp rộng, hẹp, giống trồng, các khoảng cách cây được khuyến cáo như sau:

– Khoảng cách 4 x 6 m (trồng dày trên hàng).

– Khoảng cách 6 x 6 m nếu liếp rộng.

Cần chú ý cắt tỉa để giữ tán cây không che rợp nhau khi trưởng thành.

3. Chuẩn bị giống

              Hiện nay, xoài được nhân giống phổ biến bằng phương pháp tháp mắt hay tháp đọt. Do cây trồng bằng hột lâu cho trái (> 6 năm) và cần chọn cây mọc từ phôi vô tính để bảo đảm đặc tính giống cây mẹ nên phương pháp trồng hột ít được áp dụng.

Mùa  tháp xoài  thích hợp  nhất là  từ tháng 7-11 dương lịch.

Chọn hột no đầy, nặng (không bị lép), tách bỏ lớp vỏ cứng và bao kiếng bên ngoài phôi, đem giâm ngay. Mỗi hột  xoài thường mọc ra nhiều cây con, do đó nên tách các cây con ra khi mỗi cây có 1-2 cặp lá và có ít nhất một rễ chính.  Cây con tách ra được cấy vào bầu hoặc liếp giâm với khoảng cách 20 cm x 20 cm.  Sau khi trồng cây con được 1-2 năm tuổi thì có thể dùng làm gốc tháp, gốc tháp có đường kính thân lớn 1-2 cm.  Giữ đọt lá già khoảng 1 tháng trước khi tháp.

Xoài thường được tháp theo phương pháp tháp mắt (ghép “bo”). Để có mắt tháp tốt, nên chọn cành có mầm lá tốt, cành tròn đều, đường kính cành tương ứng với đường kính gốc tháp (tương đương sức sinh trưởng). Cành lấy mắt tháp có lá lụa vừa chuyển sang màu xanh, khi lột da phải dễ tróc.

Trên gốc tháp, ở vị trí cách  mặt đất 15-20 cm,  dùng dao nhỏ, bén mở miệng gốc tháp rộng khoảng 1-1,5 cm, dài khoảng 2-2,5 cm (hình chữ U xuôi). Cần chọn mắt  tháp tốt (lấy ở khoảng giữa cành), cắt sâu  đến lỏi cành để lột mắt tháp lên. Kích thước mắt tháp cần nhỏ hơn miệng gốc tháp để dễ luồn vào. Mắt tháp phải sạch, không dính bụi, nước.  Luồn mắt tháp ngay vào miệng tháp, lưu ý đặt mắt tháp thuận chiều để tược tháp mọc hướng lên trên. Dùng dây nylon (dài khoảng 50 cm, rộng 1 cm), buộc chung quanh miệng tháp theo kiểu mái ngói để tránh đọng nước trong miệng tháp.

          Sau khi tháp khoảng 20 ngày thì có thể mở dây ra để quan sát, sau đó buộc lại,  đến ngày thứ  25-30, mở dây nếu mắt thấy mắt còn xanh thì cắt ngọn gốc tháp. Dùng nước sơn loãng quét lên chỗ cắt đầu gốc tháp để tránh bệnh xâm nhiễm. Lúc mầm tháp phát triển có khoảng 2 cơi đọt lá già thì có thể bứng đem trồng (khoảng 3-4 tháng sau khi tháp).

IV. TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

GIAI ĐOẠN DƯỠNG CÂY

1. Cách trồng

              Đào lỗ trên mô vừa bầu cây con, đặt bầu vào, lấp đất vừa quá mặt bầu, ém đất chung quanh gốc, cắm cọc buột giữ cây con tránh gió làm rễ bị lung lay (làm cây con  phát triển kém), tưới đẫm nước. Dùng rơm rạ hay cỏ khô đậy mô lại.

2. Bón phân

              Lượng phân bón cho xoài thay đổi tùy theo giống, tình trạng sinh trưởng, đất đai,…Nói chung cần sử dụng phân bón gia giảm theo tuổi cây, năng suất, nhất là trong giai đoạn cây cho thu hoạch. Có thể tham khảo lượng phân bón cơ bản cho xoài trong điều kiện canh tác xoài ở ĐBSCL sau đây.

              – Giai đoạn 1-3 năm đầu (kg/cây/năm):

              Bón 0,2-0,3 kg phân 16-16-8 kết hợp 0,1-0,2 kg phân Urê. Số lần bón chia làm 2 đợt/năm (Đầu và cuối mùa mưa)

              – Giai đoạn cây cho trái (kg/cây/năm): Tham khảo bảng sau:

Giai đoạnUrêSuper lânKCl20-20-15Phân chuồng
Sau thu hoạch0,5-1,2  1-1,5 0,2-0,5 10-20
Trước xử lý ra hoa 30 ngày0,2-0,51-1,50,2-0,5  
Sau khi đậu trái 2 tuần (chia bón 2-3 lần)0,1-0,30,2-0,51-1,5 
Tổng cộng0,8-2,02-30,6-1,51-1,510-20

              Xới đất thành rãnh sâu khoảng 5 cm chung quanh gốc (cách gốc khoảng 0,5-1 m), cho phân vào lấp lại và tưới. Lưu ý không nên bón phân cho cây trong mùa nước ngập vì dễ làm thối rễ non.

              Có thể phun thêm các loại thuốc dưỡng cây để giúp các đợt cành mọc tốt, cây ra hoa tập trung và hạn chế hiện tượng rụng trái non.

Cần bón thêm phân chuồng hoai mục (heo, bò) cho cây hằng năm.

3. Tưới tiêu

Cây xoài trưởng thành có khả năng chịu đựng khô hạn tốt, nhưng muốn cây sinh trưởng tốt và cho năng suất cao thì cần cung cấp đầy đủ nước cho cây và nhất là lúc ra hoa kết trái. Tuy nhiên, xoài cũng cần một thời gian khô hạn ngắn trước khi trổ hoa để giúp quá trình cảm ứng ra hoa xảy ra dễ dàng. Xoài chịu ngập khá so với nhiều loại cây ăn trái khác, nhưng cũng cần chú ý thoát nước liếp tốt trong mùa mưa để duy trì tốt tuổi thọ của cây.

GIAI ĐOẠN XỬ LÝ RA HOA – DƯỠNG HOA

4. Xử lý ra hoa, đậu trái:

4.1 Các yếu tố ảnh hưởng đến sự ra hoa

  • Yếu tố môi trường

              –  Nhiệt độ: Nhiệt độ thấp có thể làm phá vở giai đoạn ngủ nghỉ của mầm hoa và làm cho cây xoài trổ bông, đặc biệt là nhiệt độ thấp vào ban đêm. Theo kinh nghiệm nhiều năm, nhưng năm nào có gió mùa Đông Bắc về sớm nhiệt độ xuống thấp dưới 20oC xoài ra hoa sớm hơn các năm khác.

              –  Ngập úng: Nhiều nghiên cứu cho thấy xoài sẽ ra hoa sau khi bị ngập khoảng 2 tháng. Ở những vùng bị ảnh hưởng của lũ lụt, cây xoài sẽ ra hoa sớm và dễ kích thích cho xoài ra hoa hơn các vùng khác.

              – Sự khô hạn: Nếu có thời gian khô hạn trước khi ra hoa, xoài sẽ ra hoa đồng đều hơn.

  • Yếu tố nội tại của cây

              –  Giống: Giống là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lên sự ra hoa của xoài. Kết quả điều tra được ghi nhận là xoài Cát Hòa Lộc khó kích thích ra hoa, ra hoa không tập trung; trong khi các giống xoài Thanh Ca, xoài Hòn (Battambang), xoài Bưởi, xoài cát Chu là những giống dễ ra hoa. 

              –  Tuổi cây: Cây xoài trưởng thành dễ kích thích ra hoa hơn xoài mới bắt đầu cho trái (có thể vẫn còn bị ảnh hưởng của thời kỳ tơ).

              –  Tuổi cành và lá: Kích thích ra hoa trên cành non thường kém hiệu quả vì sẽ ra đọt, hoặc cành quá già (trên 10 tháng tuổi, hình thành từ năm trước) thì miên trạng rất sâu nên cũng khó kích thích ra hoa. Ở ĐBSCL, xoài Cát Hòa Lộc dễ kích thích ra hoa khi lá chuyển từ màu xanh nhạt sang màu xanh, còn dẽo. Các giống xoài thanh Ca, Thơm, Bưởi có thời điểm kích thích ra hoa thích hợp khi lá đang chuyển sang màu sanh đậm, khoảng 4-5 tháng tuổi, tức là lá già hơn so với lá của xoài Cát Hòa Lộc.

              –  Tình trạng sinh trưởng và năng suất năm trước của cây:  Cây xoài bị kiệt sức do cho năng suất cao trong năm trước có thể bị giảm khả năng đâm chồi và phân hóa mầm hoa ở năm tiếp theo. Do đó, khi cây đậu trái quá nhiều thì cần phải tỉa bớt trái hoặc phải bón phân nhiều hơn để cây xoài không bị suy kiệt ở năm tiếp theo.

  • Yếu tố dinh dưỡng

              –  Chất đạm:  Chất đạm là yếu tố quan trọng hàng đầu thúc đẩy cho sự ra hoa và đậu trái của xoài, quyết định kích thước và phẩm chất trái xoài. Tuy nhiên, không nên bón nhiều đạm trước khi xoài ra hoa vì sẽ kích thích cành non mọc ra.

              –  Chất lân: Hàm lượng chất lân trong chồi cao rất thích hợp cho sự khởi phát hoa ở xoài.

              –  Chất kali: Kali là yếu tố quan trọng thứ hai sau đạm ảnh hưởng lên sự ra hoa của xoài. Bón đạm kết hợp với kali sẽ giúp cải thiện đáng kể sự ra hoa và khả năng đậu trái cho xoài.

4.2 Xử lý ra hoa đồng loạt

–  Xử lý bằng KNO3: Pha 100-120 g KNO3 /bình 8-10 lít, phun lên lá già (xanh đậm, cứng giòn), phun 3-6 bình/cây (tùy cây tán lớn hay nhỏ). Có hiệu quả tốt trên xoài Bưởi, xoài Cát Hoà Lộc, xoài Cát chu.

– Xử lý bằng Paclobutrazol: Tưới 4 g/gốc (xoài 4 năm tuổi).

4.3 Xử lý ra hoa nghịch mùa (tham khảo cho xoài 10-12 năm tuổi):

Ở ĐBSCL xoài thường cho trái tập trung vào tháng 2-4 dl. Để bán được giá cao, nông dân có thể xử lý ra hoa trái vụ để cho trái vào tháng 10 dl. Cách làm như sau:

– Cắt tỉa cành lần 1: Sau thu hoạch cắt cành, tạo tán.

– Bón phân lần 1: Xới đất chung quanh tán lá. Bón 2-3 kg phân NPK (loại 20:20:15) và 20 kg phân hữu cơ hoai mục/gốc. Tưới giữ ẩm thường xuyên.

– Cắt tỉa cành lần 2: Khoảng tháng 7 dl cắt tỉa cành lần 2 để chuẩn bị xử lý ra hoa.

– Bón phân lần 2: Bón 1-2 kg phân NPK (loại 20:20:15)/gốc. Phun phân bón lá (15:30:15) 3 lần/3 tuần liên tiếp. Đối với xoài tơ, cành cần 2 cơi đọt mới có khả năng ra hoa. Đối với xoài trưởng thành (>10 năm) chỉ cần 1 cơi đọt là có thể xử lý ra hoa.

– Xử lý ra hoa: Khi lá trên các cơi đọt xanh đậm, mép lá hơi gợn sóng thì tiến hành  xử lý ra hoa.

– Hóa chất xử lý ra hoa: Phun 150 g KNO3 + 8 g Thiên Nông + 10 cc Agriplex / bình 8-10 lít, phun ướt đều tán lá (mặt trên và mặt dưới lá)(có thể thay thế  bằng DOLA 02X, 50 g/bình 8 lít).

– 10-15 ngày sau khi phun cành non ra hoa (cựa gà).

– Phun dưỡng cây: Phun Bayfolan (loại 11:8:6), 10 cc/bình 8 lít; hoặc dùng Micracle Gro, Thiên Nông,…phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày. Tưới giữ ẩm.

– Phòng trị sâu bệnh: Phòng trừ rầy, bệnh hại bông, trái:  Phun 5 cc Confidor (hoặc Admine) + 10 cc Bavistin / bình 8 lít, phun 7-10 ngày/lần

– Bón phân lần 3: Khi trái khoảng 2 cm: 1-2 kg phân NPK (loại 15:15:15)/gốc để nuôi trái, có thể chia ra bón 2-3 lần theo thời gian phát triển của trái.

– Chú ý phòng trị bệnh sau mỗi trận mưa.

Nếu nắm vững kỹ thuật xử lý ra hoa và có diện tích trồng lớn, nông dân có thể xử lý ra hoa xoài theo từng khu vườn của mình vào các thời điểm khác nhau để đáp ứng nhu cầu thị trường và tránh thiệt hại do sâu bệnh khi xoài tập trung cho trái cùng lúc.

GIAI ĐOẠN DƯỠNG TRÁI

4.4 Hạn chế xoài rụng trái non 

– Nguyên nhân:

              + Cây có nhiều hoa đực, ít hoa lưỡng tính.

              + Thụ phấn không tốt do hạt phấn tự bất dục, tự thụ phấn trong cùng giống.

              + Thời tiết xấu cản trở hoạt động của côn trùng thụ phấn cho cây, mưa rửa trôi hạt phấn, làm vỡ hạt phấn tạo điều kiện cho nấm bệnh gây hại hoa, trái non.

+ Thiếu nước, thiếu dinh dưỡng (Kali).

+ Do giống (rụng trái ít hay nhiều), thường trái có cuống to rụng ít.

– Biện pháp hạn chế:

+ Bón phân đầy đủ tạo cành lá tốt sau thu hoạch.

+ Tưới đủ nước trong giai đoạn ra hoa, đậu trái, trái non.

+ Tăng cường bón phân Kali.

+ Phun NAA (Naphthalene Acetic Acid), 50 ppm lúc trổ bông, 3 tuần và 6 tuần sau khi hoa nở.

+ Sử dụng phân bón lá để nuôi trái.

+ Chú ý phòng trị sâu ăn bông, rệp bông, sâu đục trái, ruồi đục trái, bệnh thán thư, bệnh phấn trắng.

5. Các chăm sóc khác

              Trong năm thứ nhất và thứ hai sau khi  trồng, hàng năm  đấp thêm đất vào chân  mô. Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi thì bồi liếp hàng năm một lớp đất mỏng khoảng 3-5 cm.

Khi cây bắt đầu cho trái thì mỗi năm xới đất một lần giúp đất liếp được tơi xốp. Dùng rơm rạ, cây rẫy đã thu hoạch, hoặc cỏ khô đậy liếp trong mùa nắng để giữ ẩm trong đất.

              Thường xuyên loại bỏ những cành mọc thẳng bên trong tán để tán cây được thông thoáng. Sau khi thu hoạch, cắt bỏ tất cả các chùm đã thu trái để giúp các chồi  mới dễ mọc ra, ngoài ra cần  cắt tỉa bỏ những cành sâu bệnh,  khô chết, giập gãy.

              Nếu có điều kiện nên nuôi ong trong vườn để giúp cây đậu trái tốt hơn.

6.  Sâu bệnh

– Ruồi đục trái: Gây hại trên trái xoài bằng giòi đục bên trong trái làm trái thối rụng, xuất hiện nhiều trong mùa mưa.

          Cách phòng trị:

Vệ sinh vườn, nhặt bỏ trái rụng. Phun Bassan  (20-30 cc/ bình 8 lít), Sevin, Trebon (15-20 cc/bình 8 lít). Có thể làm bẩy mồi bằng mật đường hoặc thân lá cây É tía nghiền nát trộn với thuốc để dẫn dụ ruồi vào buổi sáng. Không để trái chín kéo dài trên cây.

– Rầy xanh: Còn gọi là bọ nhảy, kích thước nhỏ có màu xanh đến xanh hơi nâu, chích hút nhựa ở đọt, mặt dưới lá và phát hoa. Xuất hiện nhiều trong mùa khô.

          Cách phòng trị:

Phun định kỳ khoảng 1-2 tuần/lần bằng các loại thuốc như Bassan  (20-30 cc/bình 8 lít), Sevin, Trebon (15-20 cc/bình 8 lít). Có thể dùng bẩy đèn để dẫn dụ và diệt rầy vào ban đêm.

– Sâu đục cành: Gây hại trên cành, đục lỗ chui vào bên trong cành làm cành bị khô héo và chết, các đọt cành non rất dễ bị thiệt hại. Sâu gây hại nhiều vào đầu và cuối mùa mưa.

              Cách phòng trị:

Vệ sinh vườn, cắt tỉa cành cho thông thoáng. Phun các loại thuốc như Confidor (10 cc/bình 8 lít), Decis (15-20 cc/bình 8 lít),…vào giai đoạn trước khi cành non mọc ra (sau khi tỉa cành).

– Sâu ăn bông: Là ấu trùng của một loại bướm đêm nhỏ, phá hại bông xoài vào ban đêm, hoá nhộng trong kén đính ở chùm hoa.

Cách phòng trị:

PhunPolytrin, Dimecron (10-15 cc / bình 8 lít), Decis (15-20 cc/ bình 8 lít). Không phun thuốc lúc hoa rớt nhụy để tránh ảnh hưởng sự thụ phấn.

– Câu cấu xanh ăn lá: Tấn công lá non mới ra, ăn trụi lá ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ra bông của cây.

              Cách phòng trị:

Phun Decis, Cymbush (15-20 cc/bình 8 lít) trước khi cây ra đọt non. 

– Bọ cánh cứng: Xuất hiện lúc cây ra đọt non. Bọ cánh cứng màu đen phá hại làm đọt cành khô héo, cành không ra hoa được. 

              Cách phòng trị:

Áp dụng giống như phòng trị câu cấu xanh.

– Rệp sáp: Chích hút nhựa ở cành non, cuống trái và bông.

Cách phòng trị:

Phun Dimecron, Bi-58 (nồng độ 15-20 cc/bình 8 lít),Supracide (10-15 cc/bình 8 lít).

– Bệnh thán thư: Nấm bệnh làm  rụng hoa và  hư hại chùm hoa.  Đốm  bệnh ở lá có màu xám nâu, tròn hay  có góc cạnh,  làm cháy  và rụng lá. Trên  trái, nấm bệnh  là các đốm đen lõm xuống vỏ trái, có thể gây thối. Bệnh xuất hiện nhiều trong mùa mưa.

          Cách phòng trị:

Phun Appencarb,  Score (5-10 cc/bình 8 lít), Manzate (10-15 g /bình 8 lít), Antracol (25-50 g /bình 8 lít) sau giai đoạn rớt nhuỵ. Phun thuốc định kỳ mỗi tháng /lần.

– Bệnh bồ hóng: Nấm thường phá triển trên chất bài tiết của rầy xanh, rệp dính, rệp sáp,… tạo thành lớp nấm màu đen  (như đóng khói đèn) bám dính trên mặt lá làm giảm quang hợp ở lá.

           Cách phòng trị:

Phun thuốc diệt rầy, rệp sáp (đã nêu ở phần trên) kết hợp phun các loại thuốc gốc đồng như Copper-B, Microthiol (15-20 g/bình 8 lít). Cắt tỉa cành tạo điều kiện thông thoáng cho cây.

– Bệnh phấn trắng: Nấm bệnh phát triển thành lớp phấn  trắng trên lá non và chùm hoa. Hoa, trái có thể bị nhiễm bệnh sớm. Trái bệnh dễ bị rụng.

           Cách phòng trị:

Phun Tilt, Appencarb, Score (5-10 cc/bình 8 lít)ì khoảng 2 tuần /lần. Vệ sinh vườn, nhặt bỏ hoa trái bị rụng.

– Bệnh mốc hồng: Nấm bệnh tấn công trên cành, tạo thành các đốm mốc màu hồng, phát triển bao quanh thân cành gây héo, lá rụng.

           Cách phòng trị:

Phòng trị giống như bệnh phấn trắng kết hợp với việc cắt bỏ cành bệnh.

VI. THU HOẠCH

              Thời gian từ khi ra hoa đến thu hoạch trái khoảng 3-4 tháng tùy giống xoài, tiêu thụ. Thu hái phải nhẹ nhàng tránh làm xây xát trái. Không chất trái thành từng đống. Trái xoài già sau khi thu hoạch rất mau chín do đó thời gian vận chuyển để tiêu thụ phải tiến hành nhanh chóng. Sau thu hoạch tiến hành cắt cành sửa tán, bón phân để tạo đợt cành mới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *